04/06/2021 05:28:00 PM
| Đăng bởi:
23 lượt xem.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5 thành lập Quỹ vắc - xin phòng Covid-19.

Theo đó, quyết định thành lập Quỹ vắc - xin phòng Covid-19 Việt Nam để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc - xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc - xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc - xin phòng Covid-19 cho người dân.
Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
Trước tình hình diễn biễn phức tạp của dịch COVID-19, hiện nay, vaccine phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, mục tiêu của chúng ta là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.
Những ngày qua, có rất nhiều các tập đoàn, cá nhân, người dân đã ủng hộ, tham gia vào chương trình này. Xã hội hóa không có nghĩa là doanh nghiệp tự đi mua vaccine về tiêm cho công nhân, người lao động của họ mà đó là doanh nghiệp, người dân hỗ trợ thông qua Quỹ vaccine. Bên cạnh đó, để vaccine COVID-19 được triển khai công bằng và hiệu quả, doanh nghiệp nhập khẩu vaccine phải tuân theo kế hoạch điều hành của Bộ Y tế đã trình Chính phủ.
Vinatex đề xuất được ưu tiên mua vaccine cho 150.000 CBNV-NLĐ
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam bày tỏ quan điểm: Ngành Dệt May là ngành sử dụng nhiều lao động trên cả nước với trên 2,5 triệu lao động, riêng đối với Vinatex là 150.000 lao động. Các doanh nghiệp của Vinatex đều có quan điểm là đăng ký với Chính phủ về việc doanh nghiệp sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm được vaccine cho người lao động của mình.
“Đối với đợt đầu tiên, chúng tôi mong muốn tất cả NLĐ trực tiếp được tiêm vaccine và sau đó, nếu lượng vaccine đủ thì nhân rộng ra để tiêm cả cho những người trong gia đình, những người sống cùng NLĐ để đảm bảo an toàn cho NLĐ, cũng là đảm bảo an toàn cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Chúng tôi mong muốn được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các doanh nghiệp nằm ở các địa bàn “nóng” như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. HCM, Hà Nội sẽ sớm được tiêm ở các khu công nghiệp tập trung, nơi mà lực lượng lao động của dệt may rất lớn để đảm bảo ổn định sản xuất trong thời gian tới. Chúng tôi cũng hiểu, lượng vaccine hiện nay còn hạn chế về số lượng và cần có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, tuy nhiên NLĐ ngành dệt may rất mong muốn được ưu tiên sớm trong đợt tiêm phòng dịch lần này.”
Trong khi đó, báo cáo ngày 2.6 của Bộ Tài chính cho thấy, hoàn toàn có đủ nguồn lực cho quỹ vắc xin từ nguồn ngân sách T.Ư. Cụ thể, nguồn kinh phí dự kiến mua và tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư bảo đảm khoảng 16.000 tỉ đồng; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỉ đồng.
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm ngày 1.6 đã nhận được 20 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ chuyển thẳng vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Trước đó, đã có hàng trăm tỉ đồng được các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ.
Hồng Hạnh