19/01/2019 10:08:00 AM
| Đăng bởi:
242 lượt xem.
Những sự độc điệu, nhàm chán dệt nên cuộc sống của mỗi người, đôi khi che khuất hướng đi và ý nghĩa cuộc đời. Những mất mát, thất bại và khổ đau càng làm chúng ta thêm choáng ngợp, hụt hẫng… Nhưng khi nhìn lại, chúng ta mới thấy rằng chính ta đã làm nên một kiệt tác của đời mình. Đây chính là thông điệp được Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Huyền gửi tới anh chị em và các bạn qua câu chuyện “Mặt trái cuộc đời”.
Ảnh: Thái Nguyễn
Một Thầy tu trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác, công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày dệt phần được trao phó, việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa.
Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế, Thầy tu thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:
– Trước khi con được sai đến đây, người ta nói với con về một công trình nghệ thuật cao cả mà con sẽ góp phần vào. Bây giờ con chỉ thấy rằng, con phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, con không thấy đâu là nghệ thuật cả.
Nghe thế, vị Linh mục mới nói với thầy như sau:
– Con ơi, làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.
Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của Ba đạo sĩ triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà Thầy tu trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, đã vén lên chính hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.
Cuộc đời của mỗi người chúng ta có lẽ cũng giống như một tấm thảm nhìn từ mặt trái. Những cái độc điệu nhàm chán dệt nên cuộc sống của mỗi người, đôi khi che khuất hướng đi và ý nghĩa cuộc đời. Những mất mát, thất bại và khổ đau càng làm chúng ta choáng ngợp, hụt hẫng. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta mới thấy rằng chính ta đã làm nên một kiệt tác của chính đời mình.