Tin tức, sự kiện

Cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi

04/09/2024 10:01:00 AM | Đăng bởi: 11 lượt xem.
Cùng với việc điểm ra các thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tự trang bị các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với những tình huống lừa đảo.

Trong khoảng hơn 1 năm vừa qua, những hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trên không gian mạng Việt Nam và quốc tế vẫn được cơ quan chức năng, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin ghi nhận ở khoảng 24 - 26 hình thức, với một số ‘điểm nóng’ được các nhóm tội phạm lừa đảo sử dụng nhiều như lừa đảo mạo danh, lừa đảo việc làm, lừa đảo tài chính, lừa đảo cho vay, lừa đảo đầu tư và lừa đảo xổ số. Tuy vậy, kịch bản, phương thức và kỹ thuật được kẻ xấu sử dụng để lừa đảo người dân lại liên tục thay đổi, ngày càng tinh vi, khó lường khiến cho nhiều người khó nhận biết.

Qua hệ thống tiếp nhận cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, Cục An toàn thông tin mỗi tuần đều nhận được vài trăm đến vài nghìn phản ánh của người dân về các trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho thấy lừa đảo trực tuyến vẫn đang gia tăng mạnh mẽ.

Cũng vì thế, chiến dịch tuyên truyền để ngày càng nhiều người dân có các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó trước những tình huống lừa đảo đang tiếp tục được Cục An toàn thông tin phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, tích cực triển khai.

Dưới đây là những chiêu thức lừa đảo nổi bật trên không gian mạng Việt Nam trong tuần từ ngày 26/8 đến ngày 1/9, được Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cảnh giác:

‘Rộ’ chiêu lừa đảo tuyển dụng nhân sự ngành hàng không

Các nhân viên quầy thông tin của sân bay Nội Bài gần đây nhận được nhiều cuộc gọi, email hỏi về nội dung tuyển dụng nhân sự cho sân bay và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam được đăng trên các website và mạng xã hội. Thực tế, một số đối tượng lừa đảo đã tạo fanpage, website giả mạo để mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức nhằm lừa chiếm đoạt tài sản người dùng với chiêu trò ‘lừa đảo tuyển dụng’. Đáng ngại là, các fanpage, website giả mạo được làm giả tinh vi, với logo cùng nhiều hình ảnh, thông tin được lấy lại từ các trang chính thống; vì thế đã lừa được các nạn nhân mất cảnh giác, không kiểm chứng lại thông tin.

Cẩn trọng trước những lời mời chào công việc đăng tải trên mạng xã hội là lời khuyên của Cục An toàn thông tin với người lao động. Cơ quan này khuyến nghị người lao động truy cập website chính thức và liên hệ trực tiếp với phòng nhân sự của doanh nghiệp để xác nhận tính hợp lệ của thông tin tuyển dụng; không dựa vào thông tin từ email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc để đăng ký ứng tuyển; sử dụng các dịch vụ tra cứu doanh nghiệp hoặc cơ quan đăng ký doanh nghiệp để xác minh thông tin. Ngoài ra, người lao động không nên cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm cũng như không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng, tệp tin không rõ nguồn gốc.

Hàng loạt chiêu trò lừa đảo thu học phí tân sinh viên

Lợi dụng thời điểm các sinh viên vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học, thời gian gần đây, các đối tượng đã giả mạo là đầu mối của một số trường đại học tại TPHCM để lừa chuyển tiền học phí, lệ phí nhập học.

Nhiều trường đại học đã phát cảnh báo tân sinh viên về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản kể trên. Theo đó, đối tượng lừa đảo có thể tạo ra website giả mạo giống trang thông tin điện tử của trường đại học. Đối tượng còn giả danh là nhân viên của trường đại học và gửi email, gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí. Kẻ lừa đảo còn có thể thông qua các phương thức lừa đảo như email, tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng của người dùng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo các tân sinh viên kiểm tra thông tin từ trường đại học hoặc tổ chức tài chính qua những kênh chính thức hoặc liên hệ trực tiếp với trường; nộp học phí qua các kênh thanh toán chính thức do trường đại học hoặc tổ chức tài chính cung cấp. Người dân không nên bấm vào liên kết trong các email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc, đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không xác định.

Nhờ shipper mua hộ hàng để chiếm đoạt tài sản

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận thông tin về một vụ lừa đảo tinh vi. Nạn nhân của vụ lừa đảo này là anh T.T.L  làm nhân viên giao hàng - shipper. Anh T.T.L  đã mua hộ thùng rượu trị giá 5 triệu đồng theo yêu cầu của một khách lạ, nhưng sau đó đã không liên lạc được với người này khi đến địa điểm giao hàng được chỉ dẫn.

Theo Cục An toàn thông tin, đối tượng dùng hình thức lừa đảo kể trên trên thường tạo ra đơn hàng giả và yêu cầu shipper giao hàng đến địa chỉ không có thật. Kẻ lừa đảo cũng dẫn dụ shipper thanh toán một khoản tiền trước khi nhận đơn hàng. Để tạo lòng tin, đối tượng còn cung cấp thông tin cá nhân giả mạo, đưa ra lời hứa sẽ thanh toán thêm tiền hoa hồng cho shipper. Sau khi nạn nhân đồng ý và thực hiện theo yêu cầu, nạn nhân giao đến địa chỉ được đối tượng cung cấp nhưng lại bị chặn liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân, nhất là các shipper cần xác minh đơn hàng và địa chỉ giao hàng qua các kênh chính thức của hệ thống quản lý đơn hàng; không thực hiện giao hàng khi nghi ngờ về tính xác thực của đơn hàng; chỉ thanh toán tiền và nhận tiền từ các nguồn tin cậy và theo quy trình chính thức của công ty hoặc nền tảng giao hàng; không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không xác định hoặc qua các phương tiện không an toàn. Trường hợp nghi ngờ bị lừa, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Giả mạo cán bộ của Bộ Giao thông vận tải để lừa đảo

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa cho biết cơ quan này nhận được thông tin phản ánh của người dân và các đơn vị đăng kiểm về việc có nhiều cuộc điện thoại mạo danh cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, các đối tượng dùng các số điện thoại như 098236xxx, 0916712xxx, 0911312xxx, 0916600xxx… tự xưng là người của Cục Đường bộ, Cục Đăng kiểm để mời chào và yêu cầu với nội dung như: “Đề nghị các đơn vị mua bộ sách về quản lý các đơn vị đăng kiểm”“Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng (App) có logo Cục Đăng kiểm Việt Nam”.

Nhận định về hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin cho hay, đối tượng lừa đảo thường giả danh là nhân viên của cơ quan nhà nước, gọi điện hoặc gửi tin nhắn yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, hoặc yêu cầu thanh toán các khoản phí không rõ nguồn gốc. Đối tượng còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các trang web giả mạo. Thậm chí, đối tượng tạo website giả mạo giống trang web của cơ quan nhà nước, yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc; luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi; không bấm vào liên kết trong email từ các nguồn không xác định. Người dân cũng cần xác minh thông tin qua các kênh chính thức của cơ quan nhà nước; đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các khoản thanh toán khi chưa kiểm tra, xác minh thông tin.

(Theo Vietnamnet)